Chúng tôi về làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Gianh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây thanh bình, yên ả và cũng “đồng quê” xào xạc” như bao ngôi làng nhỏ khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Duy có một điều, hỏi thăm về chuyện học hành, khoa bảng, về nhà thờ họ trong làng, dường như ai cũng tự hào, tỏ tường một cách khác lạ.
“Nhất gia bán thiên hạ”
Nhà thờ họ Vũ-dòng họ lớn nhất trong làng, được xây dựng với quy mô rộng lớn với những khu nhà riêng biệt, như nhà thờ, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, thư viện, nhà hạ đường, nhà bia, hồ sen, cổng tam quan... Tất cả được xây dựng hoành tráng bằng gỗ lim, lợp mái ngói theo lối kiến trúc cổ. Vẻ bề ngoài chống ngợp của nhà thờ họ Vũ nhanh chóng được khỏa lấp bởi những gì ẩn chứa bên trong nó. Đó là các câu chuyện khoa bảng tiếp nối nhau hàng trăm năm qua đã tạo nên kỳ tích cho một ngôi làng nhỏ hiện chỉ có vài trăm hộ dân.
Khoa thi năm Bính Thân 1656, cả nước có gần 3.000 sỹ tử về kinh thành ứng thí. Khoa thi chỉ lấy đỗ 6 tiến sĩ. Khi xướng danh, trong 6 tiến sĩ, có tới 3 anh em trong họ Vũ của làng Mộ Trạch là Vũ Trác Lạc, Vũ Đãng Long, và Vũ Công Lượng (trên bia số 18 tại Văn Miếu-Hà Nội). Kinh ngạc trước thành tích đặc biệt này, vua Tự Đức (1829-1883)-một ông vua nổi tiếng hay chữ-đã thốt lên: “Mộ Trạch, nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch, một nhà mà bằng nửa thiên hạ).
Cổng làng Mộ Trạch
Trong lịch sử khoa bảng, Mộ Trạch được xem như ngôi làng “số 1” của nước ta về con đường học vấn. Từ khi vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên 1075, đến năm 1919-khoa thi cuối cùng thời Khải Định, làng Mộ Trạch đã có 36 người đỗ tiến sĩ (hoặc tương đương tiến sĩ)-nhiều nhất cả nước đối với một làng. Riêng dòng họ Vũ có tới 29 tiến sĩ, còn lại họ Lê 5 vị, 1 vị họ Nhữ, 1 vị họ Nguyễn. Thần tổ, thành hoàng làng Vũ Hồn 12 lần được các đời vua sắc phong là trí tuệ, nhân hậu, trung hiếu, giản dị, cương trực... với nhiều lời ngợi ca, như: “Chẳng ham địa vị tiền tài, chỉ lo khiếm khuyết văn bài phí công”...
Dòng họ Vũ và làng Mộ Trạch bắt đầu phát tích từ đầu thế kỷ 14. Đặc biệt, đến thế kỷ 16 và 17 là thời kỳ rực rỡ. Hầu như các khoa thi đều có người của làng Mộ Trạch đỗ tiến sĩ, có khoa thi đỗ 4 người. Trong 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, người làng Mộ Trạch có tên trong 18 bia với 25 tiến sĩ. Cụ Vũ Quốc Sỹ, sinh được 5 người con trai thì có 3 người làm quan đại thần là Vũ Tự Khốt, Vũ Duy Chí, Vũ Phương Trượng và hồng giáp Vũ Bạt Tụy, tiến sĩ Vũ Cầu Hối.
Nhà thờ họ Vũ được vua Lê phong và được lấy tên là Thế Khoa Đường vì có ba đời nối dõi liên tiếp đều là con trưởng thi đỗ tiến sĩ. Đó là 3 ông cháu, cha con “Tam đại tiến sĩ”: Vũ Bạt Tụy, Vũ Duy Đốn, Vũ Duy Khuông. Câu chuyện này được viết lại trên câu đối còn lưu giữ trong nhà thờ: “Tổ phụ tôn tiến sĩ đệ. Thiên địa nhật nguyệt thế khoa đường” (Ông cha con cháu đều đỗ tiến sĩ. Nhà thờ Thế khoa còn với đất trời).
Gia phả họ Vũ của làng Mộ Trạch có ghi một giai thoại: Lại bộ tả thị lang Nguyễn Văn Phong cho rằng người làng Mộ Trạch có thần thế hay mưu kế gì đó nên mới nhiều người thi đỗ đến thế. Kỳ thi Hương năm 1666 ông xin về xứ Đông làm chủ khảo. Ông đào cho mỗi thí sinh một hố, trên lắp liếp, ngồi trong đó làm bài. Đề bài chọn những câu hóc búa, lại truyền cho hai ban sơ khảo và phúc khảo chỉ được chọn những quyển nào viết chữ rõ ràng, không dập xóa, sửa chữa. Quan trường chấm bài xong, tuyển được ba mươi quyển trình quan chủ khảo chấm lại. Lại bộ tả thị lang Nguyễn Văn Phong chỉ chọn được 6 quyển, còn đánh trượt. Sau khi xếp thứ bậc rồi khớp phách để yết bảng, người đỗ đầu là Vũ Văn Hiên, 18 tuổi, đậu giải Nguyên. Người thứ hai là Vũ Bật Lại, thứ ba là Vũ Chấn. Tất cả đều người làng Mộ Trạch.
Ông Vũ Quốc Ái, một người con của làng Mộ Trạch say mê nghiên cứu, tìm hiểu về ngôi làng và dòng họ của mình, kể: Tổ tiên dòng họ ông là Vũ Công Huy, một quan chức đời Đường đã sáu mươi tuổi vẫn chưa có con. Trong chuyến du hành về phương Nam, thấy đất Thanh Lâm (nay vùng Nam Sách, Hải Dương) có nhiều gò đống rất đẹp bèn đem hài cốt cha sang mai táng. Ở đây, cụ gặp và lấy làm thiếp người con gái xinh xắn nhất vùng Nguyễn Thị Đức, sau đó cùng nhau trở về Trung Quốc. Năm 804 bà sinh cho ông một người con trai, đặt tên là Vũ Hồn. Năm 18 tuổi Vũ Hồn thi đình đỗ cao, được bổ làm quan, rồi được phong chức Đô Ngự xứ ở quận Giao Châu, tức Việt Nam ta (thời kỳ Bắc thuộc). Đô Ngự xứ Vũ Hồn đi kinh lý thấy đất Bình Giang (ngày nay) có thế “bách nhạn hồi sào”, có thể phát về đường khoa cử, bèn đem mẹ từ phương Bắc sang nuôi dưỡng, rồi lập làng, gọi là Khả Mộ. Lâu dần đọc chệch đi thành làng Mộ Trạch như ngày nay. Mẹ mất, Vũ Hồn đưa về mai táng ở thôn Kiết Đặc thuộc vùng núi Phượng Hồng, Chí Linh bây giờ. Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Dậu (853), Vũ Hồn về trời khi mới 49 tuổi trong một trận mưa dông sấm sét dữ dội. Ngay sau đó, ông đã trở thành vị thành hoàng của làng.
Tương truyền, chính thế đất “bách nhạn hồi sào” và những tính toán của tổ tiên Vũ Hồn dành cho con cháu đã tạo nên một thời kỳ cực phát về con đường khoa bảng của dòng họ Vũ, của làng Mộ Trạch. Làng Mộ Trạch xưa có nhiều người đỗ cao, thành đạt nhưng không giàu. Người dân dành tất cả cho sự nghiệp học hành của con em mình. Ngày nay cũng vậy, làng Mộ Trạch vẫn bình dị như bao làng quê khác. Người làng Mộ Trạch vẫn giữ được cái danh của làng mình do dân gian quanh vùng từng nói: “Tiền làng Đọc. Thóc làng Nhữ. Chữ làng Chằm”. Làng Đọc có nghề nhuộm cổ truyền và giàu có. Làng Nhữ ruộng nhiều và tốt nên nhiều thóc nhất vùng. Còn làng Chằm-một tên gọi khác của làng Mộ Trạch, vẫn nổi tiếng hay chữ. Ngày nay, người làng Mộ Trạch thành danh từ con đường khoa bảng, văn học cũng không kém tổ tiên xưa kia.
Minh Phương (HNM)
|