Dân làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, ai ai cũng có thể say sưa nói về năm người có biệt tài được phong trạng và niêm danh sang trọng trong đình. Đó là trạng ăn Lê Nại, trạng cờ Vũ Huyên, trạng vật Vũ Phong, trạng toán Vũ Hữu và trạng chạy Vũ Cương Trực.
Những tên tuổi lẫy lừng đó nằm trong danh sách 36 tiến sĩ và nếu kể cả ba vị do các cơ sở khoa học trung ương và tỉnh phát hiện nhưng các cụ của làng còn đang đối chiếu với ngọc phả hương thôn và tộc phả các dòng họ thì là 39. Chả thế mà ông vua hay chữ nhà Nguyễn là Đức Dục Anh Tôn Hoàng đế Tự Đức đã đặt cho làng danh hiệu Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ, tức là riêng làng Mộ Trạch tài năng bằng một nửa thiên hạ.
1. Lê Nại hay còn gọi là Lê Đỉnh nhà nghèo, khôi ngô tuấn tú, được quan thượng thư Vũ Quỳnh người cùng làng yêu mến gả con gái cho. Lê Nại về nhà vợ cứ bảng lảng chẳng chịu làm lụng như mọi người. Cho đến một bữa mẹ vợ chuẩn bị ba mươi suất ăn sáng để đón ba mươi thợ vạt bờ cuốc góc. Lê Nại xin làm thay những người đó rồi chén sạch xong lăn quay ra ngủ. Mờ sáng Nại vẫn ngáy khò khò. Mẹ vợ gọi, Nại choàng tỉnh vác dao phát và cuốc lao ra đồng. Lúc dùng dao, lúc dùng cuốc, Nại làm nhanh như chớp, loang loáng hết bờ ruộng này sang bờ ruộng khác, cá tôm thấy động chạy không kịp, chết nổi lên đầy mặt nước, người làng ra vớt lên gánh từng gánh mang về.
Nhà quan thượng thư nhiều sách vở, Lê Nại được ông cho tùy tiện tra cứu học hành. Nhưng suốt ngày Lê Nại chỉ vào ra thơ thẩn. Cụ thượng bèn sang hỏi ông thân sinh chàng rể. Ông thông gia này kính cẩn:
- Bẩm cụ, vậy từ ngày cháu sang bên đó thì cái sự ẩm thực như thế nào ạ?
Cụ thượng đáp:
- Theo lối thanh đạm của nhà Nho thì mỗi bữa cũng chẳng mấy tí.
Ông bố chàng rể kính cẩn đáp:
- Sức ăn của cháu khác với người thường như quan bà đã biết rồi đó. Thế mà tướng công cho ăn ít ỏi như vậy hoặc giả cháu chưa vừa lòng mà không dám nói ra.
Cụ thượng nghe ông thông gia thực thà nói vậy về nhà dặn vợ cứ mỗi bữa tăng gấp đôi suất ăn cho rể. Lê Nại cầm sách đọc qua vài lượt. Khi cho ăn nồi ba cơm, Lê Nại học đến nửa đêm. Cụ thượng thấy con rể quả là người khác thường liền cho ăn đầy đủ thì Lê Nại đèn sách suốt đêm không hề chợp mắt. Khoa thi năm Ất Sửu thời vua Lê Uy Mục (1504) Lê Nại đỗ Trạng nguyên, sau đó được bổ làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Hộ.
2. Thuở ấy có viên chánh sứ Trung Hoa rất kiêu ngạo thách đố vua ta chơi cờ với điều kiện ngặt nghèo. Nhà vua thấy rõ thua là cầm chắc nên hết sức buồn phiền lo lắng. Quần thần họp bàn và tâu trình phải triệu trạng cờ làng Mộ Trạch tên là Vũ Huyên. Về triều nghe truyền phán, Vũ Huyên xin vua thông báo cho sứ thần Trung Hoa biết, để bảo đảm tính công khai, cuộc đấu cờ lần này sẽ không tổ chức trong điện sang trọng mà tiến hành ngay giữa thanh thiên bạch nhật ở sân rồng… Thế là khi viên chánh sứ tới thì sân rồng đã bày sẵn một bàn cờ, hai ghế ngồi hai bên và hai chiếc lọng che do lính hầu cầm giữ.
Ván thứ nhất nhà vua thắng. Viên chánh sứ hai mắt tròn xoe ngơ ngác. Ván thứ hai nhà vua lại thắng. Viên chánh sứ toát mồ hôi và run bắn lên. Ván thứ ba rất căng thẳng nhưng nhà vua vẫn thắng. Sứ thần Trung Hoa hết kiêu căng, ngạo mạn và chấp nhận những điều kiện do vua ta đưa ra. Ông ta đâu có biết rằng Vũ Huyên đã giả làm lính hầu cầm lọng che nắng cho vua. Chiếc lọng có dùi sẵn một lỗ để nắng lọt qua chiếu xuống bàn cờ thành một chấm sáng nhỏ. Nhà vua cứ thấy chấm sáng đậu vào quân cờ nào thì nhấc quân cờ ấy và chấm sáng di chuyển tới đâu thì đặt quân cờ tới đó. Nhà vua liền mở tiệc chiêu đãi và ban thưởng quần thần. Vũ Huyên được phong Trạng Cờ và được thưởng nhiều vàng bạc châu báu.
3. Vũ Phong là một đô vật nổi tiếng trong vùng Mộ Trạch. Nghe tin kinh đô tổ chức hội vật, Phong bèn rủ vài người bạn khăn gói đi xem. Nhìn lên sới vật thấy một người hùng dũng cứ tự đắc đi đi lại lại xem thường mọi người, Phong bèn tới trước nhìn nhà vua quỳ tâu xin vào cuộc tỉ thí với con người kia. Nhà vua nhìn chàng ái ngại và đưa ra lời khuyên: “Chớ có rồ dại. Hai ngày qua bao đô vật trứ danh đều phải khuất phục dưới chân anh ta. Nhà ngươi làm sao địch nổi. Dại dột! Thôi, ta cho lui!”. Nhưng Phong không lui và nài xin bằng được. Cuối cùng thì khi chàng lực sĩ của nhà vua ngạo nghễ bước ra, Vũ Phong cũng thủng thỉnh đứng đối diện.–PageBreak–
Trống nổi lên, Phong lập tức cúi thấp người xuống, bất ngờ luồn qua háng đối thủ, lấy vai đội hẳn y lên, và bằng động tác thuần thục quật ngã y xuống sàn. Rồi nhanh như cắt, Phong vặn mình nhẹ nhàng nhẩy tót lên bụng kẻ bị ngã, dồn hết sức lực vào cánh tay như hai gọng kìm sắt, đè gí hai vai đối thủ xuống mặt sàn. Nhà vua rất đỗi ngạc nhiên giữa tiếng vỗ tay reo hò như sấm. Hoàng thượng liền ra lệnh sắc phong cho chàng làm Trạng Vật và ban chức Cấm y vệ úy chỉ huy sứ.
4. Vũ Hữu đỗ Hoàng Giáp năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông khi mới hai mươi tuổi. Ông được bổ làm Lễ bộ Thượng thư và trở thành nhà thiết kế tài danh, nhà toán học nổi tiếng, để lại cho đời tác phẩm “Đại thành toán pháp”. Khi nhà vua tu bổ thành Thăng Long và xây dựng điện Kính Thiên ông đã tính toán chi phí nguyên vật liệu đến mức thực hiện không thừa, không thiếu tới một hòn gạch, một viên ngói, một tạ vôi. Nay tên ông được đặt cho một đường phố thuộc khu Thanh Xuân Bắc, Hà Nội.
5. Trạng Chạy Vũ Cương Trực cuốn đôi chân nhanh như gió và có sức khỏe hơn người. Mỗi khi làng có việc gì cần trình bản quan trên gấp hay lên kinh đô Vũ Cương Trực đều được phái đi và lần nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sách sưu tập về dòng họ Vũ Mộ Trạch chưa có mục nào hay bài nào ghi đầy đủ về ông nhưng tên ông được nêu trang trọng trong đình làng cùng với các vị trạng đã nói trên.
Chúng tôi về thăm làng Mộ Trạch vào buổi chiều một ngày cuối năm. Ai cũng bận rộn. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Xuân Đoàn, Trưởng thôn Vũ Huy Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Vũ Quốc Ái, cùng nhiều cán bộ và bà con thôn xóm vừa kể chuyện vừa đưa chúng tôi đi thăm đình, thăm miếu.
Đời sống dân làng đổi thay nhanh chóng. Người đói không có và tỉ lệ gia đình nghèo chỉ còn năm phần trăm. Con cháu làng Mộ Trạch nay tỏa khắp nơi trong nước và ngoài nước làm ăn và khá nhiều người thành đạt. Dân Mộ Trạch có truyền thống lấy ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm làm hội làng. Già trẻ gái trai, ngoài việc tưởng nhớ dòng họ tổ tiên giờ đây còn tôn vinh những người tài giỏi đang cống hiến trí tuệ của mình trên khắp mọi miền đất nước.
Ngày hội làng vừa qua có chương trình độc đáo gọi là tôn vinh tiến sĩ. Những tiến sĩ thời nay! Những người có học hàm, học vị và cả những người có thành tựu lớn lao trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế. Người ta nhắc đến những tên tuổi như Tiến sĩ Vật lý nguyên tử ở Nhật Bản Vũ Khắc Thịnh, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà giáo Vũ Đình Liên, cụ Vũ Đình Hòe từng làm Bộ trưởng Bộ Tư Pháp dưới thời Cụ Hồ. Tiến sĩ Vũ Phương Nghị ở Pháp gửi thư về có đoạn viết: “Nhờ lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu vượt lên mọi khó khăn để đạt bằng tiến sĩ văn học ở Pari”.
Trước khi rời làng Mộ Trạch, chúng tôi rẽ vào thăm anh thương binh 1/4 Vũ Hồng Quang. Anh bị cụt cánh tay trái. Bàn tay phải cụt cả bốn ngón cùng với nhiều vết đạn khác nữa. Anh bị thương ở Đắk Lắk tháng 6 năm 1969 và tháng mười năm đó được chuyển ra Bắc. Về làng anh dồn sức chăm sóc con cái học hành và mảnh vườn trồng táo trước nhà. Anh có ba con tốt nghiệp đại học và hai con tốt nghiệp cao đẳng. Mới đây, con gái Vũ Thị Đào của anh nhận được học bổng đi Pháp làm luận án tiến sĩ.
Theo báo CAND
|