Thân thế, gia tộc Tổng đốc Võ Duy Ninh
Gia tộc họ Võ cội gốc ở tỉnh Hải Dương, các cụ Thượng tổ là Chúa nhà Bầu: Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyên có công lớn trong việc khôi phục nhà Lê. Vũ Văn Uyên được phong là An Tây Vương, lập dinh thự Thành Nhà Bầu ở Tuyên Quang, dân vùng Tuyên Hóa gọi ông là Chúa Vũ, tồn tại 7 đời được phong 7 tước Quận công, đời thứ 7 là Khoan Quận công Vũ Công Tuấn bị Thiếu phó Điệp Quận công Trịnh Ốc giết. Sau khi kết thúc 134 năm oanh liệt, có công lớn với nhà Hậu Lê; con cháu chạy về Nghệ An cùng với 7 thế tộc lớn là: Nguyễn, Lê, Trần, Tống, Phan, Trương, Võ phò chúa Nguyễn Hoàng vào khai sáng đất Quảng Nam trấn, Chương Nghĩa phủ. Họ Võ được giao trách nhiệm Quản cơ một đội chiến thuyền bao lãnh cả quân cơ, quân nhu, quân lương tiến vào Quảng Ngãi đánh Chiêm Thành, dựng trại lập cứ địa ở làng Đại An và được trấn phong “Đại An Tộc - Võ Sĩ Thần” với 3 tước Quận công: Mỹ Sùng Quận công, Bố Na Quận công, Thế Đức Quận công.
Đến đầu thế kỷ 19, Gia Long hưng nghiệp, gia tộc họ Võ trung hưng trở lại với danh vị “Thế tộc cựu thần Lê Triều - Nguyễn Vương”. Tiếp nối truyền thống “trung quân - ái quốc” Võ Duy Ninh được sinh ra trong một gia đình nho học có 3 anh em đều học hành đỗ đạt khoa bảng; trong đó anh cả Võ Duy Thành đậu Phó bảng; em thứ Võ Duy Ninh đậu cử nhân và Võ Duy Duật đậu tú tài.
Võ Duy Thành, Võ Duy Ninh là 10 vị đậu cao đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi thờ Nho học. Hậu duệ của Võ Duy Ninh là Võ Duy Ngọc đậu tú tài làm Tri huyện Hoài Ân và Võ Duy Dương, Thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở Đồng Tháp Mười.
Tượng Tổng đốc Võ Duy Ninh tại nhà thờ ở tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng đốc Võ Duy Ninh và một thời kỳ bi tráng trong lịch sử
Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, chế độ phong kiến nhà Nguyễn bảo thủ, dân tình khốn khổ, trên thế giới các nước phương Tây đi xâm lăng tìm thuộc địa. Sau 50 năm giúp nhà Nguyễn thiết lập vương triều, nước Pháp rắp tâm xâm lược nước ta. Ngày 01 tháng 9 năm 1858, quân Pháp đưa tàu chiến nổ súng tấn công Đà Nẵng chiếm bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược. Đây là giai đoạn lịch sử cực kỳ khó khăn, quân Pháp với hạm đội tàu đồng được trang bị đại bác, súng máy, vũ khí tối tân hiện đại, mạnh gấp bội phần so với quân ta. Sau khi chiếm được bán đảo Sơn Trà, chúng làm kế nghi binh chỉ để lại một lực lượng nhỏ nhằm thu hút sự phòng vệ của quân ta đối với Đà Nẵng và kinh đô Huế, còn phần lớn chiến hạm chúng chạy vào Nam. Tháng 10 năm 1858, triều đình bị động rút Tổng đốc Phạm Thế Hiển ra Quảng Nam để tăng cường phòng vệ Đà Nẵng, đồng thời cử Tham tri Bộ lại Võ Duy Ninh vào Gia Định nhận chức Tổng đốc Định Biên (Gia Định - Biên Hòa).
Ngày 10 tháng 02 năm 1859, quân Pháp được quân Tây Ban Nha tăng viện từ Philippin sang 8 tàu chiến và 2000 quân, chúng tấn công thành Gia Định liên ngày đêm. Sáng ngày 17 tháng 02 năm 1859, giặc Pháp áp sát Thành đặt thuốc nổ giật sập mảng thành phía Nam và ồ ạt tràn vào, quân ta chết quá nhiều, đến tối thì thành Gia Định thất thủ, Võ Duy Ninh bị trọng thương, bất tỉnh, toàn quân đưa ông về làng Phước Lý, tỉnh Long An, khi tỉnh lại biết thành đã mất, ông rút gươm tự vẫn. Tổng đốc Võ Duy Ninh tuẫn tiết là tấm gương trung liệt để rồi sau đó đến Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu cũng tự vẫn khi thành Hà Nội thất thủ vào tay giặc Pháp.
Việc thành Gia Định mất, vua Tự Đức tức giận ban Chỉ dụ cắt hết phẩm hàm đối với Tổng đốc Võ Duy Ninh, lệnh chi 100 quan tiền cho các tỉnh tìm xác chuyển về quê an táng. Mãi đến 18 năm sau, liên tục bị giặc Pháp đánh chiếm khắp đất nước, vua Tự Đức mới nghĩ lại ân mệnh khôi phục cho Võ Duy Ninh chức Hàn lâm viện thị độc (vẫn giáng 4 cấp). Đến thời Vua Bảo Đại thứ 6 (1931), triều đình mới khôi phục đầy đủ phẩm hàm cho ông trong sắc phong có câu:
“Cối cửu tuyền nhị vô khuất. Thiên nhật diêu lâm”
Ý nói “ngọc quý nằm sâu dưới lòng đất, mặt trời không soi thấu”
Than ôi! Công trạng của ông đã bị vùi chôn nơi chiến trận nên sử sách chỉ ghi vỏn vẹn một câu: Võ Duy Ninh, vị tướng cao cấp hi sinh đầu tiên trong Nam. Gia Định bị bọn tay sai của giặc Pháp đến cưỡng thu toàn bộ sắc phong, chỉ dụ, tư liệu về cuộc đời sự nghiệp quan trường của ông đem thủ tiêu. Do đó, thân thế và sự nghiệp Tổng đốc Võ Duy Ninh ít người biết đến, vì thế chỉ có 02 thành phố đặt tên đường Võ Duy Ninh là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Trong khi đó, Quảng Ngãi là nơi ông sinh ra và lớn lên chưa có một con đường mang tên ông.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I với nhân vật lịch sử Tổng đốc Võ Duy Ninh
May thay cho dòng họ Võ tỉnh Quảng Ngãi, khi Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Ngãi đến nhà thờ Tổng đốc Võ Duy Ninh để tìm hiểu, sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm về Tổng đốc Võ Duy Ninh; biết dòng họ không còn lưu giữ một tư liệu nào, Chi cục đã liên hệ với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, đề nghị hỗ trợ tra cứu những tư liệu về nhân vật lịch sử Tổng đốc Võ Duy Ninh. Với tinh thần nhiệt huyết, khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã lập danh mục hơn 100 văn bản có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Tổng đốc Võ Duy Ninh; và chọn ra hơn 40 văn bản tiêu biểu để lập thành phiên bản theo tài liệu gốc đóng thành tập với tiêu đề “Châu bản về vị quan Võ Duy Ninh Triều Nguyễn người Quảng Ngãi”.
Khi đã hoàn chỉnh, đích thân Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - bà Trần Thị Mai Hương gọi điện báo tin cho dòng họ Võ, hậu duệ của Cụ ở Quảng Ngãi vào đầu năm 2019. Khi được tin, cùng vào dịp Lễ giỗ lần thứ 160 năm (17/02/1859 - 17/02/2019) hơn 500 con cháu về dự, có cả đại biểu Lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và Lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Quảng Ngãi. Trong khung cảnh trang nghiêm, buổi lễ như vỡ òa bởi những tràng vỗ tay mừng vui khôn tả khi người đọc văn tế đến đoạn ôn lại công đức của Cụ có đoạn trong sắc phong của vua Bảo Đại (1931)“Cối cửu tuyền nhị vô khuất. Thiên nhật diêu lâm”; người đọc không nén nổi cảm xúc đã nghẹn ngào bật khóc, con cháu đã rơi lệ theo, vừa mừng vừa tủi lẫn lộn. Cuối buổi lễ, tộc họ cử đoàn về Hà Nội để nhận tập tư liệu quý hiếm mang về để phụng thờ coi như bảo vật vô cùng quý hiếm của dòng họ, cần bảo tồn, giữ gìn và giáo dục con cháu noi gương mà ra sức học tập.
Tộc họ đã xin ý kiến Lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho ngày để tộc họ ra Hà Nội xin nhận về. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, vào ngày cuối hạ năm 2019, bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã trực tiếp trao tập tư liệu quý hiếm “Châu bản về vị quan Võ Duy Ninh triều Nguyễn người Quảng Ngãi” cho tộc họ với sự tôn kính ngay tại nhà thờ Tổng đốc Võ Duy Ninh. Tham dự buổi lễ còn có đại diện Lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương tham dự. Nhận được tư liệu, dòng họ Võ mừng vui như vừa tìm được kho báu, coi đây như bảo vật vô giá của tiên tổ để lại, cần phải tôn kính gìn giữ, bảo quản lưu truyền lâu dài để con cháu tự hào và noi gương học tập để trở thành người công dân tốt.
Những việc làm trên của Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên ngành văn thư - lưu trữ nhà nước từ tỉnh Quảng Ngãi đến trung ương thể hiện sự nhiệt tình và tinh thần nhân văn tôn kính các bậc tiền nhân có công với dân tộc - thật đáng cảm phục. Nhân bài viết này, dòng họ Võ hậu duệ của Tổng đốc Võ Duy Ninh ở Quảng Ngãi xin được bày tỏ lòng tri ân đến lãnh đạo và cán bộ nhân viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nói riêng và ngành lưu trữ nói chung. Chúc Trung tâm tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trong thời gian tới.