Vũ Miên sinh năm 1718, người làng Xuân Lan (còn gọi là Liên Trì, Ngọc Quan) nay là thôn Ngọc Quan (Quàn Sen) xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Họ Vũ ở Xuân Lan vốn thuộc dòng dõi Vũ Hồn ở làng Mộ Trạch xứ Đông, đến Lương Tài lập nghiệp từ thế kỷ XV. Vũ Miên là đời thứ bảy.
Vì thế mới có câu đối trong nhà thờ:
Triệu thuỷ tích tòng đông Mộ Trạch
Thanh danh kim thị bắc Lương Tài
Nghĩa là:
Nguồn gốc xưa theo đông Mộ Trạch
Tuổi tên nay ở bắc Lương Tài
Năm 31 tuổi, Vũ Miên đi thi Hội (Hội nguyên) được đỗ đầu, thi Đình được lấy đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời Lê Hiển Tông.
Sự kiện này làm cho người đời đương thời hết sức kinh ngạc. Tác giả Phạm Đình Hổ kể: “Vũ Miên người Liên Trì, khi nhỏ học tối tăm, suốt ngày nhai nhải chỉ được một trang giấy mà vẫn cố sức học mãi không thôi, về sau cũng nổi tiếng văn học trong thời ấy. Nhưng văn chương ông nghèo nàn, viết suốt ngày vẫn thường không đủ. Khoa thi năm Mậu Thìn (1748), vào đến trường đệ tứ, ông đều gặp đầu bài nhớ cả, nhưng viết không kịp, phải xẩm tối mới nộp xong quyển mà đi ra. Về nhà trọ, cởi áo ra nghỉ, xem lại thì ra đã nộp nhầm quyển nháp, còn quyển có đóng dấu vẫn ở trong ống. Bấy giờ ngồi than thở ân hận mãi, sau đem những đoạn văn làm ban ngày ra nhuận sắc, viết lại tinh tươm vào quyển có đóng dấu. Trời gần sáng thì viết xong. Rồi chợp mắt, ngủ mãi đến trưa mới tỉnh dậy. Xem trong ống quyển thì quyển văn có đóng dấu ấy không thấy đâu nữa. Trong bụng hoang mang, chỉ sợ bộ Lễ đòi quyển có dấu thì không lấy đâu mà trả lại được. Bàng hoàng lo sợ đến dăm bảy ngày. Đến khi yết bảng thì thấy huyên truyền rằng ở Liên Trì có Vũ Miên đỗ Hội nguyên. Ông vẫn không tin, sau đến đình Quảng Văn xem yết bảng, quả nhiên có tên mình thật, Ông vừa mừng vừa kinh ngạc, không biết tại cớ làm sao. Có người bảo: Nhà ông ba đời không nuôi mèo cho nên được báo cái ơn ấy, chẳng biết có phải thật không? ” (Vũ trung tuỳ bút).Chúng ta ngày nay đều thừa nhận đây là câu chuyện hoang đường. Loài chuột làm sao mà biết báo ân. Thành tích mà Vũ Miên đạt được là do ông khổ công rèn luyện, tu dưỡng mà có.
Sau khi Vũ Miên đỗ đạt, ông liên tục làm quan dưới triều Lê - Trịnh, lần lượt qua các chức: Lại bộ Tả thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Quốc sử quán tổng tài, Hành Tham tụng, tước Liên Khê hầu. Khi mất được truy tặng chức Thượng thư và được ban tên thụy là Ôn Cẩn. Đóng góp của Vũ Miên chủ yếu là ở lĩnh vực sử học. Khi làm Tổng tài Quốc sử quán, ông được giao chủ trì biên soạn Quốc sử tục biên (1775). Nhóm biên soạn gồm Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn; công việc trông coi biên soạn do Vũ Miên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hoản phụ trách. Bộ sách này chép sự việc từ niên hiệu Vĩnh Trị (1676) đời Lê Hy Tông đến niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1739) đời Lê Ý Tông, gồm 6 quyển.
Hoàn thành bộ quốc sử, Vũ Miên lại cùng Nguyễn Hoản, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên biên soạn sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (1779) chép danh sách đỗ đạt Trạng nguyên, Tiến sĩ từ 1075 đến 1787. Bài tựa sách này viết: “ Chép tên những người thi đỗ (đăng khoa) đã có từ lâu…Nhưng vì trước đây chỉ có văn bản viết tay, sao chép sai lầm mà người hiếu sự lại thường thường phụ hội, dần dần mất cả sự thực, làm cho người xem không khỏi bực mình. Nay quốc sử đã làm xong, tôi lấy bản chép cũ, hiệu đính lại để đưa ra khắc in, công bố trong nước, truyền lại sau này, để nêu rõ việc chấn hưng văn học, tác thành nhân tài của Nhà nước là rất thịnh”.
Vũ Miên nổi tiếng về thơ, phú. Thơ chữ Hán của ông được tuyển khá nhiều trong Việt thi tục biên do Nguyễn Thu biên soạn và rải rác ở một số tập sách khác. Tuy giỏi chữ Hán song Vũ Miên lại rất quan tâm đến thứ chữ do dân tộc Việt sáng tạo. Ông có tập Bắc sứ tự thuật viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, kể về chuyến đi sứ từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh) và các nơi danh thắng, cổ tích trên đường đi. Cùng với Nguyễn Lê, Ninh Tốn, Phạm Khiêm trong nhóm “ Cúc Lâm cư sĩ”, Vũ Miên tham gia dịch tác phẩm Tam thiên tự lịch đại văn của tác giả Từ Côn Ngọc người nhà Thanh (Trung Quốc) ra tiếng Việt, lấy tên là Tam thiên tự lịch đại văn giải âm, làm tài liệu học tập chữ Nôm cho các thế hệ trẻ.
Những ngày cuối đời, Vũ Miên vẫn tha thiết đến vận mệnh quốc gia. Năm 1782 ông bị ốm nặng. Chúa Trịnh Sâm sai trung sứ đến thăm hỏi. Ông bảo người nhà đỡ dậy, tự tay viết tờ khải, thẳng thắn khuyên Trịnh Sâm không nên lập con thứ (Trịnh Cán) mà bỏ con trưởng (Trịnh Tông). Nếu làm như vậy thì hoạ lớn khó lường trước được. Viết xong ông mất, thọ 65 tuổi. Về sau, khi Trịnh Sâm chết, Trịnh Tông giết em là Trịnh Cán, tự lập làm Chúa, gây ra cái loạn Kiêu binh. Cuối cùng họ Trịnh bị nhà Tây Sơn tiêu diệt, đúng như lời tiên đoán của Vũ Miên.
Mặc dù cách chúng ta trên hai thế kỷ, tiến sĩ Vũ Miên vẫn là tấm gương sáng cổ vũ, động viên lớp trẻ ngày nay quyết tâm học tập, chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức để vinh hiển bản thân, vẻ vang gia đình và giúp ích cho non sông đất nước.
Nguyễn Duy Hợp (theo khcn.bacninh.gov.vn)
|