“Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có một vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui ở trình độ cao… Cuộc đời của ông gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại”.
(Ký giả người Anh Peter Macdonald trong cuốn Giap, les deux guerres d’Indochine)
Ông là ai? Ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông ngoại là một lãnh binh theo nghĩa quân Cần Vương.
Những năm học ở Trường Quốc học Huế, cậu Giáp học rất xuất sắc, thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp chơi rất thân với thầy giáo Đặng Thai Mai và đã trở thành người một người bạn vong niên của cụ.
Năm ông 16 tuổi, người Pháp đuổi học anh Nguyễn Chí Diểu, một học sinh hơn Giáp 3-4 tuổi. Giáp khởi xướng một cuộc bãi khóa để phản đối. Vì sự kiện ấy Giáp bị đuổi học, về làng. Tham gia Đảng Tân Việt, Võ Nguyên Giáp góp phần tích cực đưa Tân Việt tham gia Đông Dương Cộng sản đảng. Vừa hoạt động cho Đảng, vừa viết báo Tiếng Dân, vừa tự học. Tháng 10-1930, Giáp bị bắt cùng với thầy Đặng Thai Mai và nhiều người khác. Sau khi ra tù, Võ Nguyên Giáp cùng thầy Mai ra Hà Nội, vừa dạy sử ở Thăng Long, vừa tự học lấy bằng cử nhân luật và kinh tế.
Ông nói với học trò về tinh thần yêu nước và quá khứ anh hùng. Ông thường dẫn học trò ra đê Giảng Võ coi mộ Francis Garnier; ra Cầu Giấy chỉ cho học sinh mộ Henri Rivière để nung nấu họ tinh thần chống Pháp”.
Những chiến thắng hào hùng
“Ải thẩu dú Điện Biên! Ải thẩu dú Điện Biên!”. Người dân Điện Biên gọi ông là “Ải thẩu”, từ tiếng Thái dành cho người mà họ kính yêu nhất.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”. Tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, vang tới những vùng xa xôi còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, thức tỉnh và tạo niềm tin cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Chiến thắng ấy được viết nên bởi vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp - một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại cường quốc thế giới
Nhà văn Hữu Mai, người gần gũi và đã từng chấp bút một số hồi ký của tướng Giáp, nói: “Hồi đó, trước tàu đồng súng lớn của giặc Tây, mất nước như là một định mệnh của các nước yếu. Lịch sử trước đó chưa từng có nước phương Đông nào phá được một đồn Tây. Nhưng đến Điện Biện Phủ thì nước yếu VN đã phá được cả một tập đoàn cứ điểm”. Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử bằng chính chiến thắng trước người Pháp chứ không chỉ đi bằng sự tuẫn tiết như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Và, không biết có phải là “một sự an ủi của lịch sử” mà tướng Giáp, sau khi chỉ huy trận Điện Biên Phủ, đã về sống trên con phố mang tên vị tướng Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Một người có nhiều năm làm việc ở tổng hành dinh (nơi lãnh đạo ta chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ) thiếu tướng Lê Phi Long, cục phó Cục Tác chiến, nói: “Tôi đã thử rất nhiều lần và thấy không đủ sức để viết nổi chân dung của ông, tướng Giáp”.
Khi phân công trong Đảng, Bác Hồ nói: “Việc quân sự giao cho chú Giáp”. Bác Hồ cũng đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự. Nhưng trên đường đi, Chiến tranh Thế giới thứ hai đưa người Pháp ở chính quốc vào thế thua, Bác thấy thời cơ tới nên gọi ông trở lại. Từ đó ông không có thêm cơ hội để học qua bất cứ một trường lớp quân sự nào. Nhà sử học Dương Trung Quốc, một người làm việc khá nhiều với tướng Giáp, nói: “Có lẽ những năm dạy sử ở Trường Thăng Long đã hình thành nên tư duy quân sự của ông”.
Thiếu tướng Lê Phi Long cho rằng: “Ngoài tài năng còn có một yếu tố quan trọng khác, ông là một người có đầu óc thực tiễn ghê gớm, luôn tổng kết trong thắng trong bại để tìm ra cách đánh mới”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chậm, thắng chắc”. Một quyết định mà theo GS Phan Huy Lê, trở thành nhân tố làm nên Điện Biên Phủ. Một quyết định mà theo thượng tướng Lê Trọng Tấn, nếu không đưa ra thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên rồi. Nhưng quyết định đó không chỉ là kết quả của “11 ngày đêm trăn trở”. Theo thiếu tướng Lê Phi Long, kể từ tháng 5-1953 sau trận Nà Sản, Đại tướng đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu 24 người nằm trong rừng lim khu căn cứ Định Hóa để “chuẩn bị lý luận đánh tập đoàn cứ điểm”.
Tướng Giáp là vị tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy hai cuộc kháng chiến: Chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đi đến thắng lợi cuối cùng.
Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chất chứa trong chiếc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De
Castries và trên dinh Độc Lập, trong gương mặt hạnh phúc của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tướng Giáp kể lại, vào cái buổi trưa lịch sử ngày 30/4/1975, sau khi ra nốt những mệnh lệnh cuối cùng để giải quyết chiến trường, ông đã rời tổng hành dinh, lặng lẽ đi bộ ra bờ hồ. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc nhất của ông.
Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi đảm trách bí thư Quân ủy trung ương và bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946. Trong một lần về quê vào năm 1983 ấy, ông đi bộ ra chợ Tréo ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Đến giữa chợ, ông hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe, òa khóc.
Đại tướng từng nói: “Tôi là một người lạc quan. Dù trong tình huống nào tôi cũng không thấy buồn phiền”. Những người sống và làm việc nhiều năm với ông đều có nhận xét như vậy. Nhà văn Hữu Mai nói: “Ngay cả khi sóng gió nhất, ông vẫn bình thản như không”.
Sau những giờ làm, ông thư giãn bằng cách chơi đàn piano, tập thiền và đi bộ. Nhưng hơn cả những điều có thể diễn đạt bằng chữ là uy nghi không thể che giấu được của ông. Cao hơn cả mọi nghi lễ, người dân và các chiến sĩ đã đón ông bằng tất cả lòng ngưỡng mộ khôn tả. Lòng ngưỡng mộ, chắc chắn không chỉ của một thế hệ…
Theo: conduongthanhcong
|