Việc tôn vinh các liệt sĩ dòng họ mang một ý nghĩa rất lớn, vừa nêu lên những gương sáng của dòng họ trong sự nghiệp cứu nước, vừa cổ vũ việc học tập và lao động nhằm phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
GS - AHLĐ Vũ Khiêu (Ảnh: Vũ Xuân Kiên)
I. Về vai trò của các dòng họ trong lòng dân tộc
Không biết trên thế giới có nước nào cũng thực sự quan tâm khai thác tiềm năng của các dòng họ như ở Việt Nam hay không? Còn ở Việt Nam, sự phát triển của mỗi dòng họ và mối quan hệ đồng tâm, đồng chí, đồng hành giữa các dòng họ lại có một ý nghĩa quan trọng nhất trong mọi diễn biến lịch sử. Mọi thành công của đất nước dù nhiều hay ít, nhanh hay chậm đều gắn với mức độ tham gia của các dòng họ. Lịch sử lâu đời luôn luôn chứng tỏ điều này. Tình hình đất nước hôm nay lại càng khiến chúng ta thấy rõ hơn nữa vai trò của dòng họ, Sự tồn tại và phát triển của đất nước, thành quả to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước đều nói lên rằng sự đoàn kết trong dòng họ và giữa các dòng họ với nhau luôn luôn là nhân tố hàng đầu trong mọi thắng lợi. Tổ tiên chúng ta từ bao đời đã nhận rõ điều đó nên đã cùng nhau chung sống như anh em một nhà, cùng coi nhân dân cả nước như một dòng họ:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Các giống khác nhau cùng sống trong một giàn nhưng cuối cùng cả một giàn lại trở thành một giống. Các dòng họ gả con cho nhau và ngày càng thâm nhập vào nhau và dần dần đã “dòng tộc hóa” cả một dân tộc. Mỗi dòng họ không chỉ có họ nội của mình mà còn có mẹ, có vợ, có con dâu, con rể ở các dòng họ khác.
Ai đã dựng lên huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ, hai vị tổ đầu tiên của người Việt phương Nam này? Hai vị đã lấy nhau, sinh ra trăm trứng, nở thành trăm con. Trăm con trở thành trăm họ, cùng chung một tổ tiên, cùng là anh em ruột thịt. Thực ra không phải cha rồng mẹ tiên đã sinh ra trăm họ con cháu mà chính con cháu trăm họ đã sinh ra mẹ tiên, cha rồng.
Tôi nghĩ rằng, chính mảnh đất địa linh nhân kiệt mà ta gọi là Việt Nam hôm nay, trải qua bao ngàn năm vật lộn với sức mạnh tàn phá khủng khiếp của cả thiên tai và địch họa đã tạo ra tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa trăm họ và cũng từ đây đã tạo ra huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Lịch sử ghi nhận rằng quan hệ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là quan hệ giữa hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt kéo dài qua 18 đời vua Hùng. Quan hệ ruột thịt giữa Âu Việt và Lạc Việt đã ăn sâu vào lòng dân tộc khiến cho Thục Phán khi thay thế vua Hùng và trở thành vua An Dương Vương, ông vẫn kế thừa tinh thần yêu thương giữa hai dân tộc Âu Việt và Lạc Việt nên đã đặt quốc hiệu của mình là Âu Lạc.
II. Dòng họ qua chiều dài lịch sử
Tinh thần Âu Lạc kéo dài mãi trong lịch sử dân tộc chứng tỏ nhân dân ta không bao giờ quên nguồn gốc xa xôi của mình từ thời các đời vua Hùng với một Tổ quốc gồm cả trăm họ, từ trăm con. Trong cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống xâm lược, Hai Bà Trưng đã nhắc đến truyền thống vua Hùng để cùng trăm họ chiến đấu thu về 60 thành quách cho đất nước ta.
Sau thất bại của Hai Bà Trưng, nhà Hán đã mở đầu cuộc cai trị nước ta kéo dài suốt 10 thế kỷ. Nhân dân trăm họ trong thời kỳ này kiên quyết bảo vệ bản sắc dân tộc mình từ ngôn ngữ, đạo đức đến phong tục hằng ngày. Không chịu đồng hóa với kẻ xâm lược, nhân dân ta vừa gạt bỏ những gì đi ngược với phẩm chất tốt đẹp của mình, vừa tiếp nhận những gì hợp lý. Thí dụ mỗi họ mang một tên riêng để phân biệt họ này với họ khác. Ý thức về dòng họ ngày càng sâu sắc. Mỗi dòng họ đều tìm hiểu về tổ tiên, về anh em ruột thịt, về tính cộng đồng, về trách nhiệm trong nội bộ dòng họ riêng của mình và trong quan hệ với đại gia đình gồm trăm họ.
Lý Bí, người mang tên họ Lý đã đánh đuổi kẻ xâm lược và lên làm vua, lập ra triều đại họ Lý. Ông đã khẳng định tính ưu việt của dòng họ mình trong lòng Tổ quốc. Sau đó là sự nổi dậy của Khúc Hạo và cuộc đại thắng của Ngô Quyền quét sạch quân thù ra khỏi đất nước, đã mở đường cho các dòng họ khác tiếp tục đấu tranh vừa vì sự nghiệp chung của trăm họ, vừa bảo vệ lợi ích riêng của dòng họ mình. Các họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Trịnh và Nguyễn (Tây Sơn) là những dòng họ nối tiếp nhau trị vì đất nước, vừa khẳng định quyền hành và trách nhiệm của dòng họ riêng, vừa củng cố khối đại đoàn kết các dòng họ trên toàn bộ lãnh thổ. Từ đó, họ nhà vua cùng với trăm họ khác hòa hợp với nhau. Quan hệ vua tôi được “gia đình hóa” trở thành đạo nghĩa cha con. Các triều đại kế tiếp nhau đều có ý thức muốn gắn bó dòng họ mình với dòng họ khác. Nhà vua thương hay gả các vị công chúa, con gái mình cho các thủ lĩnh các dòng họ khác là muốn con cái những dong họ này sẽ trở thành cháu ngoại mình ở khắp mọi nơi. Việc làm ấy vừa tăng cường sức mạnh của cộng đồng dòng họ, vừa khẳng định sự độc tôn của họ nhà vua với các dòng họ khác.
Các vua Trần còn thể hiện chính sách dòng họ của mình ở tinh thần đại đoàn kết các dòng họ trước sự xâm lược của quân Mông Cổ.
Hội nghị Diên Hồng có thể coi như một Hội nghị các dòng họ. Hội nghị bao gồm các trưởng lão, nghĩa là những người đứng đầu các dòng họ. Lời thề quyết đánh quân xâm lược là tiếng thét vamg lên từ ý chí của các dòng họ. Sức mạnh toàn dân chính là sức mạnh của các dòng họ cùng thống nhất ở lòng yêu nước mãnh liệt và ý chí sắt đá diệt thù, cứu nước của toàn thể con em trong các dòng họ.
III. Dòng họ ngày nay
Từ cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta bước sang một thời kỳ đấu tranh quyết liệt để đánh đuổi mọi quân xâm lược để giành độc lập và thống nhất. Trong sự nghiệp lớn lao này, các dòng họ càng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc động viên con em lên đường cứu nước. Các bậc cha mẹ vì lòng yêu nước và cũng vì danh dự của gia đình và dòng họ mà vui vẻ tiễn con đi. Nhận được tin con đã hy sinh, cha mẹ đứt từng khúc ruột. Những đau thương cũng được an ủi một đôi phần với vinh dự của gia đình và dòng họ có những người con liệt sĩ và bà mẹ anh hùng.
Kháng chiến thành công, hòa bình lập lại. Mỗi dòng họ đều đem tên tuổi những con cháu đã hy sinh ghi tạc trong nhà thờ họ, để vừa tưởng nhớ, vừa nêu gương chung cho cả họ. Anh em trong dòng họ lại cùng nhau sửa sang nhà thờ họ và bàn thờ gia tiên tại mỗi nhà, sưu tầm gia phả, tu chỉnh mồ mả của tổ tiên. Việc cúng giỗ tổ họ cùng ông bà, cha mẹ không được chu đáo trong thời còn phải mải mê chiến đấu, nay hầu như được khôi phục lại ở hầu khắp mọi nơi. Đối với những người con trong dòng họ đã hy sinh trong thời kháng chiến thì nhiều họ có nghĩa trang riêng, có đài hoặc đền thờ liệt sĩ dòng họ. Việc tôn vinh các liệt sĩ dòng họ mang một ý nghĩa rất lớn, vừa nêu lên những gương sáng của dòng họ trong sự nghiệp cứu nước, vừa cổ vũ việc học tập và lao động nhằm phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi tin rằng, truyền thống củng cố và phát huy vai trò to lớn của dòng họ qua các thời kỳ lịch sử sẽ mãi mãi là một sức mạnh vô giá nếu như Đảng ta cùng các cấp chính quyền, mặt trận ở các nơi quan tâm, khai thác và vận dụng.
GS - AHLĐ Vũ Khiêu
Chủ tịch danh dự kiêm Cố vấn
HĐDH Vũ - Võ Việt Nam
|